Bạo lực học đường (BLHĐ) đã và đang trở thành chủ đề nóng bỏng hiện nay trên khắp Thế giới. Tại Việt Nam, theo Bộ Giáo dục và đào tạo thống kê, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ/năm, tức là cứ trên 5.200 học sinh/vụ, 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.
Tại Thừa Thiên Huế, gần đây liên tục xảy ra các vụ bạo lực gây bức xúc trong xã hội, nhức nhối trong toàn ngành giáo dục. Trước đây, BLHĐ phần lớn xảy ra các hình thức đơn giản như chửi bới hay xúc phạm lăng mạ, làm tổn thương về mặt tinh thần con người bằng những lời nói; hoặc là đánh đập tra tấn trực tiếp lên thân thể qua các hành động đấm đá hoặc gậy gộc. Nhưng hiện nay hình thức bạo lực học đường lại táo bạo hơn nhiều với những hung khí như dao, kéo khiến khả năng thương tích lớn hơn gây xây xát, chảy máu, tinh thần hoảng loạn, chấn động tâm lý. Đáng báo động hơn là xu hướng BLHĐ ở đối tượng học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Đây là lứa tuổi mà tâm, sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mâu thuẫn, dễ bị bạn bè rủ rê lôi kéo.
Trước tình trạng đó, Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống Hoàn Năng đã phối hợp với nhiều trường trên toàn tỉnh như trường THCS Nguyễn Du, trường THPT Phan Đăng Lưu,… tiến hành tập huấn Kỹ năng phòng – tránh BLHĐ, cách thoát hiểm khi gặp tình huống không mong muốn. Đây là chương trình được Trung tâm lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ càng cùng với sự tham gia của Ông Nguyễn Việt Thanh – Chuyên viên tâm lí đến từ TP. Hồ Chí Minh.
Những chia sẻ thú vị của Ông Nguyễn Việt Thanh về Kỹ năng phòng – tránh bạo lực học đường tại trường THCS Nguyễn Du
Học sinh trường THPT Phan Đăng Lưu chăm chú lắng nghe và trải nghiệm tình huống phòng – tránh bạo lực học đường
Tại các buổi tập huấn kỹ năng Ông đã giúp học sinh nhận ra giá trị và trách nhiệm bản thân đối với cộng đồng. Đồng thời, trang bị cho các em một số kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân khi gặp tình huống bạo lực. Kỹ năng phòng – tránh BLHĐ đã thu hút đông đảo học sinh tham gia, sự khao khát lắng nghe thể hiện rõ trên từng khuân mặt; háo hức tham gia thực hành trong từng tình huống và thẳng thắn chia sẻ những tâm sự của tuổi mới lớn – khiến cho buổi tập huấn Kỹ năng trở nên gần gũi với các em. Đây chính là một thành công lớn của kỹ năng phòng – tránh BLHĐ, góp phần phát triển nền giáo dục tri thức nước nhà.