TRUNG TÂM GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG HOÀN NĂNG GÓP PHẦN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA HUẾ THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM DÀNH CHO HỌC SINH TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế thông qua hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh

Ban Hoạt động trải nghiệm – Trung tâm giáo dục KNS Hoàn Năng

Mở đầu: Hoạt động trải nghiệm trong vài năm trở lại đây được ngành giáo dục và xã hội thảo luận sôi nổi, định hình và triển khai các cách thức thực hiện. Thông qua hoạt động trải nghiệm, học sinh được hòa mình vào thực tiễn cuộc sống muôn màu. Từ chính hình thức tổ chức hình thức lớp học/trường học mở đó, học sinh có thêm trải nghiệm thật từ chính những gì diễn ra xung quanh mình. Người làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Huế cần xem đây là cơ hội để những bản sắc riêng vốn có ấy được lưu giữ, thẩm thấu và nuôi dưỡng nên lớp lớp thế hệ trẻ tiến bộ mà vẫn coi trọng truyền thống quê hương. Vun đắp cốt lõi nhân văn cho con người như vậy, chính là cách để góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa Huế sâu rộng, hiệu quả trong nhịp chuyển đương đại.

Với trách nhiệm của mình trong vai trò thuộc nhóm tiên phong xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh, Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng luôn đề cao việc tích hợp quá trình giáo dục văn hóa cho học sinh qua sứ mệnh mình đảm đương gần 10 năm qua.

Từ khóa: Văn hóa Huế, Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng, bảo tồn, phát huy, hoạt động trải nghiệm.

 

Huế – tên gọi đi sâu vào lòng người, gắn với những vẻ đẹp chẳng nơi nào có được, ấy là “giọng Huế”, “người Huế” hay “nón lá Huế”, “món ăn Huế”, “màu tím Huế”, “áo dài Huế” hoặc “kiến trúc Huế”, “nhà vườn Huế”, “ca Huế”, v.v.

Sở dĩ người ta vẫn quen gọi “Huế” với những cái tên tiêu biểu như vậy là bởi mảnh đất này hội tụ trong mình những sắc thái văn hóa độc đáo và riêng biệt. Chỉ một từ đơn thuần như vậy mà thấu đượm cả một không gian văn hóa rộng mở trên một vùng Thừa Thiên có sông, núi, đồng bằng, đầm phá, biển cả đa dạng. Văn hóa Huế “tích hợp những giá trị vật chất, tinh thần và mọi phương thức sinh hoạt khác được sáng tạo và tiếp biến trong quá trình hình thành, phát triển của xứ Huế và được bảo tồn cho đến ngày nay” [1].

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị theo Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10-12-2019 [2], văn hóa Huế với những cơ tầng và giá trị vốn có lâu nay trở thành điểm nhấn, động lực và cũng là mục tiêu hướng đến của một thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai không xa mang nét đặc thù và riêng biệt.

Văn hóa Huế – nền văn hóa có sự cân đối, hài hòa giữa môi trường thiên nhiên và con người. Huế nổi danh là vùng đất sơn thủy hữu tình, trong lòng Huế, vạn vật như tương giao, gắn kết. Dòng Hương Giang dịu dàng, núi Ngự Bình vững chãi là biểu tượng nổi bật của nét đẹp văn hóa nơi đây. Dãy Kim Phụng sừng sững, đồi Vọng Cảnh an nhiên; dòng An Cựu, sông Như Ý lợi nông; biển Lăng Cô, đầm Chuồn, phá Tam Giang mênh mông sóng nước; Cồn Hến, cồn Giã Viên lặng yên đắp bờ bãi, v.v như những bức tranh thủy mặc mà thiên nhiên vẽ nên. Trong môi trường sống như thế, con người Huế đã sớm hun đúc được đức tính gắn bó với nhau, kết nối mật thiết với thiên nhiên từ thuở khai phá đến tận hôm nay. Người Huế thấm đượm trong mình cái chất hiền hòa, sâu lắng và bình dị của một núi sông, cây cỏ. Qua con người xứ Huế, vẻ đẹp của tự nhiên được hiển lộ; qua phong cảnh thiên nhiên, dáng dấp người dân nơi đây được tỏ bày.

Văn hóa Huế dung hợp sự giao thoa, tương tác giữa văn hóa đô thị – văn hóa làng quê và văn hóa cung đình – văn hóa dân gian. Tiền thân của Huế là Thuận Hóa – Phú Xuân. Mảnh đất “thần kinh văn vật” với nhiều công trình kiến trúc bề thế nhưng tinh tế và hài hòa, hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc và mang đậm cái sắc riêng của văn hóa Huế ra đời trong khung cảnh chung của sự giao lưu – tiếp biến văn hóa Bắc – Nam, Đông – Tây suốt chiều dài hình thành, phát triển của mình. Trải qua thời gian, nhịp sống hiện đại đã mang đến cho Huế hơi thở mới.

Tại chốn kinh đô này, những giá trị tinh túy, cao đẹp của văn hóa có dịp hội tụ và phát triển mạnh mẽ. Trong đó, văn hóa cung đình – bác học ra đời, bao gồm nhiều nét đẹp tinh thần cao quý về âm nhạc, thơ ca, kiến trúc lẫn nghệ thuật. Bên cạnh đó, ở các vùng ven kinh thành vẫn còn các làng quê chủ yếu sinh sống bằng kinh tế nông nghiệp. Người dân làm ruộng, làm vườn, cho ra những loại gạo thơm ngon, các loại cây trái đặc sản. Từ đó đã khai sinh những phong tục tập quán và làng nghề thủ công truyền thống. Ngoài ra, tín ngưỡng dân gian là một nét văn hóa nổi bật mỗi khi nhắc đến Huế. Hằng năm đều diễn ra những lễ hội hay cúng tế ở các đình làng, lễ hội làng nghề. Đình làng đóng vai trò quan trọng trọng việc thờ cúng chư thần, cử hành tế lễ và hội họp. Bên cạnh đó, hầu hết các làng ở Huế đều có chùa. Điểm đặc biệt ở đây là kết cấu thờ tự trong chùa, gian chính thờ các vị Phật, án hậu thờ thành hoàng hoặc các vị khai canh.

Văn hóa Huế đa dạng, phong phú chính bởi nhờ sự dung chứa hài hòa, không mâu thuẫn/bài xích giữa các dòng văn hóa. Qua biến thiên thời gian, những mảnh ghép văn hóa ấy tác động, bổ sung cho nhau làm nên nét đặc trưng và linh hồn của văn hóa xứ Huế. Người ta nhìn nhận rằng, văn hóa không phải là cái mà chúng ta đã học được, ấy là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên tất cả những điều đã học. Đó là tư tưởng, là đạo nghĩa, là thị hiếu và quan niệm; nó làm tăng tiến và cao nhã ý thức/ý niệm của những ai đã và đang trong hệ sinh thái ấy về nhân sinh quan và thế giới quan.

Các công trình kiến trúc Huế thể hiện cái đẹp nghệ thuật ở mức độ hài hòa, cân đối, gắn bó với thế giới tự nhiên. Đó là kỹ thuật phối hợp điêu luyện, nhuần nhuyễn giữa một bên là càn khôn vũ trụ và một bên là bàn tay sáng tạo của con người. Kết cấu công trình ít khi vượt quá chiều kích của không gian tự nhiên, hòa mình trong tự nhiên một cách thanh tú. Chính điều này đã tạo nên một quần thể di tích, đền đài lăng tẩm, nhà ở có kết cấu và trang trí tương xứng, chặt chẽ mà vô cùng thẩm mỹ; đồ sộ, hoành tráng mà không kém phần nên thơ. Sức hấp dẫn của kiến trúc Huế không nằm ở cấp độ vĩ mô hay xa hoa lộng lẫy mà đọng lại ở sự gặp gỡ với cảnh quan tự nhiên đằm thắm và nhã nhặn.

Cái đẹp của văn hóa Huế còn được thể hiện qua phong cách sống như lời ăn tiếng nói, cách thức ăn mặc, ăn uống, học hành và các mối quan hệ của con người nơi đây. Thấm vào máu thịt của người dân Huế, ấy là sự chỉnh chu, trang nhã, đằm thắm và chân tình trong từng hành động lẫn lời nói. Nét đẹp này hiển nhiên tồn tại từ xưa cho đến nay bởi nó đã in sâu trong tâm thức của con người xứ Huế. Không phải ngẫu nhiên mà tà áo dài và chiếc nón bài thơ trở thành đặc nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ Huế. Đó là sự hội tụ của dáng vẻ mảnh mai, khí chất thanh khiết, dịu dàng. Giọng Huế “dạ thưa” ngọt lịm, thanh âm riêng có, trầm lắng là dấu tích của văn hóa kinh kì (có ý kiến cho rằng đó còn là sự giao thoa tiếng nói giữa người Kinh với người Chăm). Ngay đến ẩm thực cũng là sự hội tụ của văn hóa, trong mỗi món ăn, đồ uống đều thể hiện sự tỉ mẩn, cầu kì; tinh thần cầu toàn, thanh cao và trang nhã; vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon mà hương vị khó lẫn vào đâu được.

Xác định giáo dục là một trong những trụ cột căn bản định hình Thừa Thiên Huế trong tương lai sắp tới. Trong xu hướng chung của tình hình phát triển trên toàn quốc, khu vực, cũng như thế giới, giáo dục càng cần tiên phong trong việc góp phần đào tạo nên những con người “hồng”, “chuyên”[3] trọn vẹn. Con người của thời đại mới năng động, tự tin nhưng vẫn gìn giữ nếp truyền thống thiêng liêng tốt đẹp. Giáo dục thế hệ trẻ ngay từ khi còn là những mầm non tương lai của tỉnh nhà, nước nhà là mối quan tâm hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của sự góp sức mang tinh thần xã hội hóa giáo dục.

Với tầm nhìn mong muốn giúp các em học sinh trên địa bàn tỉnh trải nghiệm thực tế, hòa nhập cộng đồng, xác định năng khiếu, định hướng phát trển và xác định giá trị cốt lõi của bản thân, Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng [4] trở thành lựa chọn hàng đầu của các bậc cha mẹ trong lĩnh vực giáo dục mang tính xã hội hóa đầy tích cực và trách nhiệm. Hoàn Năng xác định rõ sứ mệnh góp phần vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà nhằm “xây dựng sự phát triển bền vững cho mọi gia đình về mặt giáo dục – tâm lí; phát triển kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng; nâng cao nhận thức – giá trị sống – năng lực bản thân cho trẻ em và thanh thiếu niên cũng nhưng những kỹ năng cần thiết” [5].

Hoạt động trải nghiệm cũng là một mũi nhọn mà Hoàn Năng chú trọng quan tâm, đáp ứng yêu cầu khách quan của xã hội trong hai năm trở lại đây, trước hết là đối với học sinh cấp tiểu học.

Khái niệm “dạy học trải nghiệm” hay “tổ chức hoạt động trải nghiệm” là một phạm trù rộng, vài năm trở lại đây được bàn thảo sôi nổi thông qua nhiều diễn đàn hoặc kênh trực tiếp/gián tiếp. Nó bao gồm hệ thống các phương pháp, hình thức dạy học cần đảm bảo các đặc điểm: người học tham gia vào hoạt động thực tế/thực tiễn hoặc mô phỏng phải có quá trình chiêm nghiệm. Điều này được hiểu là quá trình cảm nhận, xúc cảm thực tế của người học được bộc lộ trong cảnh trạng cụ thể mang tính “trực quan sinh động” để rồi tác động tích cực đến tư duy của người học [6].

Mục tiêu chung của hệ thống giảng dạy theo phương thức này được hiểu như sau: “Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; đồng thời góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung định trong Chương trình tổng thể”. Bên cạnh đó hoạt động đặc thù này “giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử đúng đắn, đồng thời bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn và phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong một thế giới hội nhập” [7].

Với bộ phận văn hóa vật thể và phi vật thể còn đa dạng, biểu hiện, thấm đượm giá trị văn hóa Huế bên trong nó, những làng nghề truyền thống, địa danh lịch sử, cách mạng, v.v. cung cấp cho hoạt động trải nghiệm những gợi ý hấp dẫn dành đến học sinh. Độ tuổi khám phá của học sinh cấp tiểu học và sự thẩm thấu những điều học hỏi được từ thực tế bên ngoài đến với các em rất tự nhiên không mang tính gượng ép.

Qua gần hai năm thực hiện hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng đã đưa được trên 2000 học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm. Điểm đến của các em là làng nghề truyền thống như làng làm hoa giấy Thanh Tiên, làng Sình làm tranh dân gian, hợp tác xã mây tre đa Bao La, làng cổ Phước Tích, v.v. những địa điểm chẳng xa lạ gì với thế hệ người lớn nhưng lại mới mẻ và hấp dẫn với đôi mắt và khối óc tò mò của con trẻ.

Bằng phương pháp tổ chức khoa học, linh động, sáng tạo và hiệu quả, mỗi chuyến đi, mỗi bài học “dã ngoại” giúp cho học sinh “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Những giá trị văn hóa Huế lại tiếp tục được khơi dòng, thấm đượm vào từng học sinh qua từng hoạt động cụ thể. Bằng bàn tay nặn đất sét cẩn thận; tỉ mỉ gấp, xếp, dán từng cánh hoa; thích thú làm nên bức tranh dân gian thuần phác; chạm tay vào từng nông cụ truyền thống; khéo léo qua mỗi vành nón hay lớp lá, v.v tâm hồn trẻ được tắm mát trong dòng chảy văn hóa quê hương bằng chính trải nghiệm thuần hậu và bình dị. Đến từng địa danh văn hóa lịch sử, cách mạng, qua từng hoạt động tìm hiểu mới mẻ và phù hợp tâm sinh lí lứa tuổi, tính khám phá được đề cao giúp trẻ nhận ra cái hay, cái đẹp của nơi mình đang dừng chân. Uy nghi, lộng lẫy trước Ngọ Môn, Lầu Ngũ Phụng; trầm trồ qua từng hiện vật tại Bảo tàng cổ vật cung đình; hiểu thêm về Phu Văn Lâu danh giá và trọng vọng; điềm tĩnh trong trải nghiệm nơi Thiên Mụ, v.v học qua trải nghiệm mở ra cho học sinh cả một vùng khám phá mới chờ trẻ hòa mình.

Từng bước lớn khôn của mỗi học sinh, hạt mầm văn hóa mang bản sắc quê hương góp phần nuôi lớn nhân cách các em. Từ chỗ chính các em góp phần giữ gìn, bảo tồn cái đẹp, cái hay của quê hương, khi khôn lớn, chính mỗi thiếu niên, thanh niên ấy lại lan tỏa giá trị văn hóa rộng ra trong cộng đồng mình tham gia qua lao động và cống hiến.

Trong sự dịch chuyển, tương tác toàn cầu hóa, tính lan tỏa văn hóa được coi như một sức mạnh mềm cho chính cộng đồng quốc gia dân tộc vươn rộng ra bên ngoài. Đầu tư cho giáo dục, chú trọng hoạt động trải nghiệm, gắn nó với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung là bồi đắp vững chãi lòng yêu nước, lòng tự tôn, niềm tự hào dân tộc, bản lĩnh và tính nhân văn, nhân bản trên sắc nền văn hóa truyền thống Việt Nam giữa giao thoa/va chạm hiện đại./.

 

[1]. Trương Minh Trai, Giáo trình tổng quan văn hóa Huế, NXB Đại học Huế, Huế, 2010, tr. 23.

[2]. Trong đó xác định ý cơ bản đầu tiên trong quan điểm xác định là: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh […].”

Trích dẫn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/dau-tu/Nghi-quyet-54-NQ-TW-2019-xay-dung-va-phat-trien-tinh-Thua-Thien-Hue-432695.aspx , truy cập: ngày 22-9-2020.

[3]. Ngữ nghĩa theo ý của Di chúc do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về bồi dưỡng thế hệ cách mạng tiếp nối cha ông đi trước: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.”

Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, NXB Chính trị quốc gia, H., 2011, tr. 622.

[4]. Trung tâm giáo dục Kỹ năng sống Hoàn Năng ra đời vào năm 2011. Trụ sở tại số 02 đường Trần Văn Ơn – Tp. Huế. Các văn phòng khác tại Lô số 13 – Khu quy hoạch Chiết Bi – Phú Vang và số 395 đường Lê Duẩn – Tp. Đông Hà, Quảng Trị.

[5]. Theo nội dung Giới thiệu về Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng, lưu tại Văn phòng Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng.

[6]. Nguyễn Thị Ngọc Phúc, “Phát triển năng lực dạy học trải nghiệm cho giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”, Tạp chí Giáo dục số 439 (Kì 1 – 10/201), tr 22-24, tr. 22.

[7]. Bộ Giáo dục và đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông về “Hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp”, H., 2018, tr.4-5.

Theo: https://data.moet.gov.vn/index.php/s/xvD7X3JpdxSF855#pdfviewer, truy cập: 22/9/2020.
Trung tâm giáo dục kỹ năng sống Hoàn Năng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *